Máy móc ngành dệt may: Đỏ mắt tìm hàng Việt

18/10/2018 11:18

Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may vừa diễn ra tại Trung tâm triển lãm quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) từ ngày 29-10 đến 1-11 trưng bày máy móc, nguyên phụ liệu cho ngành may mặc. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm dệt may khá lớn nhưng máy móc, nguyên phụ liệu đa số phải nhập khẩu.

Máy công nghệ cao phục vụ cho ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu. Trong ảnh: Máy thêu, đính cườm tại hội chợ triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2014.

Máy công nghệ cao phục vụ cho ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu. Trong ảnh: Máy thêu, đính cườm tại hội chợ triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2014.

Tại triển lãm gần 300 gian hàng giới thiệu các loại máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may hầu hết đến từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu. Các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay với những sản phẩm đơn giản, như: mực in, khóa. Riêng máy móc công nghệ cao dùng cho ngành dệt may mang thương hiệu Việt Nam không có.

* Nhập khẩu hoàn toàn

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu các mặt hàng may mặc đứng trong nhóm 5 mặt hàng có xuất khẩu lớn nhất nước. Song, mọi máy móc công nghệ cao dùng cho ngành dệt may, như: máy thiết kế mẫu, máy vẽ, máy cắt, máy in, máy phun, máy gấp vải, máy may... hầu hết phải nhập khẩu từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ...

Ông Lương Kim Quang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại - quảng cáo SBC Việt Nam (Hà Nội), chia sẻ: “Gần đây, các doanh nghiệp ít mua các loại máy móc có xuất xứ từ Trung Quốc vì sau 2-3 năm sử dụng máy xuống cấp nhanh, trong khi máy cùng loại có xuất xứ từ Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng khá lâu và ít bị trục trặc về kỹ thuật”.

Anh Trương Ngọc Bảo An, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH giải pháp tự động hóa Techking (TP.Hồ Chí Minh), cho hay: “Công ty của tôi có bán 5 loại máy phục vụ cho các khâu trong công đoạn dệt may nhưng đều là máy nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Còn máy móc công nghệ cao cho ngành dệt may trong nước chưa sản xuất được”. Theo anh An, qua các cuộc triển lãm quốc tế về dệt may mới thấy, Việt Nam còn để hổng và lệ thuộc khá nhiều trong sản xuất máy móc, nguyên liệu cho ngành dệt may.

Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ Doanh nghiệp tư nhân may Phước Thịnh (TP.Hồ Chí Minh), nói: “Tôi cũng muốn tìm mua các máy móc sản xuất trong nước, nhưng đến triển lãm này tìm đỏ mắt không thấy hàng Việt. Từ các loại máy đơn giản, như: máy may, chải gấp vải, sấy vải cho khô... cũng không thấy bóng dáng hàng Việt”.

Trong ngành dệt may, máy móc công nghệ cao được chia thành 2 phân khúc là giá bình dân và cao cấp. Cùng loại máy nhưng hàng Trung Quốc giá chỉ bằng 1/3 so với các loại máy có xuất xứ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Thông thường, hàng Trung Quốc giá rẻ chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính tìm mua còn những doanh nghiệp lớn thường chọn hàng của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, châu Âu vì chất lượng và độ bền vượt xa hàng giá rẻ.

* Nguyên liệu lệ thuộc

Ngoài máy móc thì các nguyên phụ liệu để sản xuất của ngành dệt may cũng phải nhập khẩu từ 60-90%, có những đơn hàng các doanh nghiệp may Việt Nam phải nhập khẩu đến 100%.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nguyên phụ liệu sản xuất trong nước cho dệt may tăng, có một số đơn hàng chỉ phải nhập khẩu khoảng 60%, song cũng có những đơn hàng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đến 100%. Nói là nguyên phụ liệu sản xuất trong nước nhưng đa số của các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam”. Theo ông Kích, công ty luôn ưu tiên mua nguyên liệu sản xuất trong nước từ những doanh nghiệp Việt Nam với yêu cầu hàng đảm bảo chất lượng dù giá cao hơn một chút so với nguyên liệu nhập khẩu. Gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và họ được thị trường đón nhận.

Thong ke